Nếu bạn đang thắc mắc tại sao chính phủ lại triển khai các gói 62.000 tỷ đồng vào năm 2020 hoặc 26.000 tỷ đồng vào năm 2021 để giải quyết tình trạng kinh tế khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra trong vòng hai năm nay. Thì câu trả lời để có thể giải thích tường tận nguồn gốc vấn đề và động cơ của việc làm này chính là chính sách tài khóa.
Vậy chính sách tài khóa là gì? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nỗ lực của chính phủ giúp ổn định kinh tế thị trường thông qua bài viết dưới đây nhé.
Chính sách tài khóa là gì?
Chính sách tài khóa (Fiscal Policy) là những điều chỉnh của chính phủ có liên quan đến hệ thống thuế khóa và chi tiêu của chính phủ (đầu tư công) nhằm can thiệp vào thị trường để đạt được các mục tiêu của nền kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế, giảm tỷ lệ thất nghiệp bằng cách tạo công ăn việc làm hoặc ổn định giá cả và lạm phát.
Như vậy, chính sách tài khóa là cách chính phủ can thiệp vào nền kinh tế nhằm giúp cho nền kinh tế cân bằng trở lại, kìm hãm lạm phát, thất nghiệp bằng chính sách thuế và đầu tư công.
Trong trường hợp nền kinh tế đang suy thoái hoặc trong những thời điểm lạm phát quá cao thì chính sách tài khóa được xem như là công cụ ngắn hạn để cải thiện tình hình.
Chính sách tài khóa được ví như là “bàn tay vô hình” mà chỉ có sức mạnh của Chính phủ can thiệp khi nền kinh tế Quốc dân mất cân bằng, đặc biệt là trong thời kỳ xảy suy thoái hoặc có tốc độ tăng trưởng GDP không được như mong đợi.
Chỉ có cấp chính quyền trung ương như chính phủ mới có quyền ban hành cũng như thực thi chính sách tài khóa còn cấp chính quyền địa phương hoàn toàn không có chức năng này.
Các loại loại chính sách tài khóa
Ở mỗi tình hình kinh tế khác nhau thì chính phủ sẽ sử dụng những loại tính chính sách tài khóa khác nhau nhằm đưa ra các điều chỉnh phù hợp cho từng tình hình cụ thể. Hiện nay, có 2 loại chính sách tài khóa đó là chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tài khóa thắt chặt.
Chính sách tài khóa mở rộng
Chính sách tài khóa mở rộng hay còn gọi là chính sách tài khóa thâm hụt được chính phủ thực thi khi khi nền kinh tế quốc gia bị suy thoái. Khi đó chính phủ sẽ sử dụng các chính sách như tăng cường chi tiêu đầu tư công, giảm thuế suất để tăng trưởng kinh tế hoặc tăng chi tiêu mà không giảm thuế hoặc không tăng chi tiêu nhưng giảm thuế.
Tất cả các biện pháp trên đều nhắm đến mục tiêu là số tiền chi tiêu ngân sách sẽ lớn hơn số tiền thu ngân sách nhằm giúp kích thích thị trường tăng trưởng và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, một lưu ý rằng chính sách tài khóa mở rộng nếu không được chính phủ kiểm soát chặt chẽ có thể dẫn đến hình thành lạm phát.
Chính sách tài khóa thắt chặt
Chính sách tài khóa thắt chặt hay còn gọi là chính sách tài khóa thặng dư. Ngược lại với loại chính sách mở rộng, chính sách này được chính phủ thực thi khi nền kinh tế bị lạm phát.
Khi đó, chính phủ sẽ kiểm soát lượng tiền lưu thông trong nền kinh tế bằng cách chi tiêu đầu tư công ít đi nhưng tăng thu thuế hoặc không giảm chi tiêu nhưng vẫn tăng thu thế hoặc vừa giảm chi tiêu và vừa tăng thu thuế.
Mục đích của chính sách này nhắm tới là làm sao khiến cho số tiền chi ngân sách ít hơn số tiền thu ngân sách để thu hồi lại lượng tiền đang lưu thông nhằm cân bằng lại nền kinh tế
Công cụ của chính sách tài khóa
Như chúng tôi đã giới thiệu ở trên, chính phủ sẽ thực hiện điều chỉnh nền kinh tế thông qua 2 công cụ chủ yếu đó là chi tiêu chính phủ và thuế suất. Mỗi một công cụ có đặc tính và chức năng riêng biệt, cụ thể như:
Chi tiêu chính phủ (Government Spending)
Chi tiêu chính phủ là các khoản chi tiêu, đầu tư của chính phủ để phục vụ cho đời sống người dân và kinh tế quốc gia. Chi tiêu chính phủ sẽ bao gồm hai loại chính là: chi mua sắm hàng hóa dịch vụ và chi chuyển nhượng. Cụ thể:
Chi mua sắm hàng hóa – dịch vụ
Đây là các khoản ngân sách chi thường xuyên có chức năng vận hành bộ máy nhà nước, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nền kinh tế như chi mua khí tài, vũ khí, xây dựng đường xá, cầu cống và các công trình kết cấu hạ tầng, chi trả lương cho đội ngũ cán bán công nhân viên Nhà nước, các khoản chi cho an ninh quốc phòng, y tế, giáo dục…
Đây là một công cụ dùng để điều tiết tổng cầu vì nó là một trong ba tác nhân tham gia vào hoạt động kinh tế có ảnh hưởng thuận chiều đối với GDP (tổng sản phẩm quốc nội). Khi mà chính phủ tăng hoặc giảm chi mua sắm hàng hóa dịch vụ thì nó sẽ tác động đến đường tổng cầu làm đường tổng cầu dịch chuyển sang phải.
Điều này có nghĩa là nếu chi mua sắm chính phủ tăng thì tổng cầu tăng và ngược lại khi chi mua sắm của chính phủ giảm thì đương nhiên sẽ làm cho tông cầu giảm.
Chi chuyển nhượng
Chi chuyển nhượng được biết đến là các khoản trợ cấp của chính phủ cho các đối tượng chính sách như người nghèo hay các nhóm dễ bị tổn thương khác trong xã hội có tác dụng cân bằng nền kinh tế bằng cách giúp đỡ các nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội.
Chi chuyển nhượng có tác động gián tiếp đến tổng cầu thông qua việc ảnh hưởng đến thu nhập và tiêu dùng cá nhân (C). Theo đó, khi chính phủ tăng chi chuyển nhượng sẽ làm tiêu dùng cá nhân tăng lên. Và nhờ đó sẽ làm gia tăng tổng cầu.
Thuế
Đây là khoản phí mà một cá nhân hay pháp nhân phải trả cho chính phủ để tài trợ cho các khoản chi tiêu công. Có nhiều loại thuế khác nhau mà người dân phải đóng nhưng cơ bản thuế được chia làm 2 loại sau:
- Thuế trực thu (direct taxes): Thuế đánh trực tiếp lên tài sản và/hoặc thu nhập của người dân như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân,…
- Thuế gián thu (indirect taxes): Thuế đánh lên giá trị của hàng hóa, dịch vụ trong lưu thông thông qua các hành vi sản xuất và tiêu dùng của nền kinh tế như thuế thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bất động sản….
Theo đó, các nhà chính sách sử dụng công cụ thuế để tác động đến nền kinh tế theo hai cách sau:
- Thứ nhất, việc tăng thuế làm giảm thu nhập của người dân do đó dẫn đến việc giảm chi tiêu dùng cho hàng hóa và dịch vụ kéo theo đường cầu dịch chuyển sang bên trái khiến tổng cầu giảm và GDP giảm.
- Thứ hai, thuế tác động đến hành vi chi tiêu của người tiêu dùng cá nhân làm cho nhu cầu mua hàng giảm xuống dẫn đến cầu hàng hóa giảm, trong khi đó cung hàng hóa không đổi. Đường cầu và đường cung sẽ điều chỉnh trong một thời gian đến một mức giá cân bằng khác so với mức ban đầu.
Vai trò của chính sách tài khóa
Trong nền kinh tế, bên cạnh chính sách tiền tệ do ngân hàng trung ương điều chỉnh thì chính sách tài khóa do chính phủ chi phối cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho nền kinh tế vĩ mô.
- Chính sách tài khóa là giúp chính phủ điều tiết nền kinh tế thông qua 2 công cụ chính đó là chính sách chi tiêu dùng chính phủ và thuế. Trong điều kiện nền kinh tế ổn định, nhà nước sẽ để kinh tế diễn ra tự nhiên theo quy luật cung cầu.
Tuy nhiên, trong các trường hợp kinh tế bất ổn như lạm phát, thất nghiệp tăng cao, kinh tế suy thoái hoặc kinh tế có chỉ số tăng trưởng bất thường. Chính sách tài khóa sẽ phát huy toàn bộ sức mạnh như một công cụ giúp đưa nền kinh tế về trạng thái cân bằng. - Trong kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa là công cụ nhằm khắc phục thất bại của thị trường đồng thời phân bổ lại một cách có hiệu quả nguồn lực trong xã hội.
- Đây là một chính sách tái phân phối nguồn lực. Mục tiêu chính là tạo sự ổn định xã hội làm tiền đề cho sự bền vững của đầu tư và tăng trưởng thông qua việc điều chỉnh phân phối thu nhập, cơ hội, tài sản, hay các rủi ro có nguồn gốc từ thị trường.
Tuy nhiên chính sách tài khóa cũng tồn tại những hạn chế nhất định sau đây:
- Chính phủ không thể tính toán ngay từ đầu được sự tác động của chính sách tài khóa đến nền kinh tế.
- Nếu có thể ước tính được thì chỉ dựa trên số liệu quá khứ để dự đoán cho tương lai. Do đó, có thể các kết quả của chính sách tài khóa có thể diễn ra không giống như mong đợi bởi những tác động thường xuyên và bất ngờ từ thị trường.
- Hiện tượng lấn át cũng là một hiện tượng thường được xuất hiện trong nền kinh tế vĩ mô khi kinh tế suy thoái chính phủ thực hiện các chính sách mở rộng, tăng chi đầu tư cho hàng hóa – dịch vụ, đầu tư công, tạo nên hiện tượng lấn át tư nhân, làm giảm động lực cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.
- Bên cạnh đó, khi tình trạng suy thoái kinh tế diễn ra nghĩa là sản lượng thực tế thấp xa so với sản lượng tiềm năng và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao. Ngân sách lúc này cũng không thu được nhiều.
Lúc này việc tăng thêm chi tiêu của chính phủ sẽ làm cho thâm hụt ngân sách trở nên lớn hơn, không chỉ dẫn đến nguy cơ gia tăng lạm phát mà còn làm gia tăng thêm nợ của chính phủ. Từ đó có những tác động không thuận lợi đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô.
Do đó, việc thực thi các chính sách tài khóa của chính phủ đòi hỏi rất nhiều sự tính toán và suy nghĩ cẩn trọng. Vì mỗi một hành động sai lầm dễ có thể khiến cho nền kinh tế đã suy thoái thì ngày càng suy thoái hơn.
So sánh chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ
Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ đều là hai công cụ mạnh mẽ có khả năng chi phối lớn cho nền kinh tế quốc dân. Dưới đây là bảng so sánh hai loại công cụ này một cách cụ thể giúp bạn có thể hiểu rõ hơn:
Giống nhau
Đều là chính sách/công cụ được thực hiện để ổn định nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng và phát triển khi nền kinh tế xuất hiện những bất ổn mà tự thân nó không thể cân bằng lại được. Khi ấy đòi hỏi phải có sự can thiệp vào thị trường của ngân hàng nhà nước hoặc chính phủ.
Khác nhau
Chỉ tiêu | Chính sách tài khóa | Chính sách tiền tệ |
Khái niệm | Là công cụ nhằm sử dụng chi tiêu của chính phủ và thu ngân sách (thuế) để tác động đến nền kinh tế. | Là chính sách sử dụng các công cụ của hoạt động tín dụng và ngoại hối để ổn định tiền tệ, từ đó ổn định nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng và phát triển. |
Người tạo chính sách | Chỉ có chính phủ mới có quyền và chức năng thực hiện. | Ngân hàng trung ương là cơ quan tổ chức thực hiện các chính sách tiền tệ. |
Mục tiêu | Hướng nền kinh tế vào mức sản lượng và việc làm mong muốn. | Ổn định giá cả, tăng trưởng GDP, giảm thất nghiệp. |
Công cụ thực hiện chính sách | Thuế và số tiền chi tiêu của chính phủ. | Lãi suất chiết khấu; tỷ lệ dự trữ bắt buộc; chính sách tỷ giá hối đoái; nghiệp vụ thị trường mở… |
Những vấn đề liên quan đến tài khóa
Như chúng ta đã biết, gần đây hầu như tất cả các quốc gia đều lâm vào tình trạng khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra. Đứng trước tình trạng này đòi hỏi lãnh đạo các quốc gia phải thể hiện và phát huy vai trò điều chỉnh nền kinh tế của mình thông qua công cụ đó là chính sách tài khóa.
Để có thể làm rõ hơn về chính sách tài khóa là gì chúng tôi sẽ giải đáp cho các bạn một số câu hỏi thường gặp dưới đây:
Thâm hụt tài khóa là gì?
Thâm hụt tài khóa (Fiscal Deficit) là một tên gọi khác của chính sách tài khóa mở rộng nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua thao tác điều chỉnh tăng mức chi tiêu công, giảm thuế.
Tuy nhiên, đôi khi chính sách tài khóa mở rộng có thể dẫn đến lạm phát nếu không được kiểm soát tốt.
Hiệu quả của chính sách tài khóa trong nền kinh tế mở là như thế nào?
Trong nền kinh tế mở có thêm sự xuất hiện của các yếu tố như xuất khẩu và nhập khẩu. Do đó, hiệu quả của chính sách tài khóa còn phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái. Nếu chính phủ thực hiện chế độ tỷ giá hối đoái cố định, chính sách tài khóa sẽ phát huy hiệu quả.
Còn nếu là chế độ tỷ giá hối đoái thả nổi, chính sách tài khóa sẽ không có hiệu lực do những thay đổi tỷ giá sẽ triệt tiêu hiệu quả của chính sách.
Kỷ luật tài khóa là gì?
Kỷ luật tài khóa là tập hợp các quy tắc và quy định về việc dự thảo, phê duyệt, thực hiện ngân sách nhà nước. Đây là các quyết định mang tính pháp lệnh đối với tất cả các chủ thể tham gia vào ngân sách nhà nước từ quản lý, tạo lập và sử dụng ngân sách.
Kỷ luật tài khóa bao gồm 4 nhóm: kỷ luật về cán cân ngân sách, kỷ luật về chi tiêu ngân sách và kỷ luật về thu ngân sách.
Ở nhiều nước, chính phủ muốn tiến hành đầu tư (chi tiêu chính phủ) thường phải xin quốc hội phê duyệt. Vì thế, không phải cứ muốn thực hiện chính sách tài chính nới lỏng thông qua tăng chi tiêu chính phủ là luôn có thể làm được.
Độ trễ trong hiệu quả của chính sách tài khóa mở rộng
Một chính sách tài khóa được chính phủ ban hành sẽ được trình đến Quốc hội phê duyệt. Để được thông qua thì cũng đã mất thời gian chờ đợi quốc hội xem xét thảo luận.
Sau đó, sẽ mất một khoản thời gian dành cho việc lập kế hoạch dự án, khảo sát-thiết kế để triển khai đầu tư… Chính vì vậy, sẽ luôn có một độ trễ để chính sách tài khóa mở rộng bắt đầu phát huy tác dụng.
Kết luận
Khi nền kinh tế suy thoái hoặc lạm phát thì đòi hỏi phải có sự can thiệp sâu rộng của chính phủ bằng thuế và chi tiêu công.
Các chính sách tài khóa có vai trò quan trọng trong việc giải quyết thất bại của thị trường từ đó giúp ổn định, tăng trưởng và phát triển kinh tế; giải quyết lạm phát và thất nghiệp.
Nếu sử dụng chính sách tài khóa đúng thời gian, đúng mục đích sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định. Nếu sử dụng sai dễ dẫn đến tình trạng nợ công và lạm phát bùng mạnh.
Hy vọng bài viết đã cung cấp đầy đủ thông tin giúp bạn có thể hiểu được khái niệm chính sách tài khóa là gì để áp dụng trong công việc và trong học tập được tốt nhất.
Bình luận