Kinh tế vi mô là một khái niệm quan trọng và quen thuộc đối với tất cả các sinh viên kinh tế. Nghiên cứu kinh tế vi mô đem đến cho bạn những hiểu biết quan trọng trong việc xác định hành vi người tiêu dùng, sản xuất hàng hóa và biết được các mối quan hệ giữa các thành phần cấu thành nên nền kinh tế.
Tóm lại, để hiểu hơn về kinh tế vi mô là gì, mời các bạn đón đọc trong bài viết dưới đây của chúng tôi.
Kinh tế vi mô là gì?
Kinh tế vi mô (Microeconomics) là một phân ngành của kinh tế học, quan tâm nghiên cứu về hành vi của các chủ thể tham gia vào nền kinh tế như người tiêu dùng, nhà sản xuất, đầu tư và doanh nghiệp….
Nghiên cứu kinh tế vi mô là một môn khoa học kinh tế có vai trò và ý nghĩa đối với chủ doanh nghiệp và người làm chính sách. Mục tiêu chính của nghiên cứu kinh tế vĩ mô là tìm hiểu cơ chế thiết lập giá cả của từng sản phẩm dịch vụ trong những ngành nghề và giải quyết việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm một cách có hiệu quả. Phân tích thất bại của thị trường khi nó vận hàng không hiệu quả, đồng thời nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến cấu trúc thị trường.
Hiểu một cách đơn giản nhất, bản chất của kinh tế vi mô là nghiên cứu hành vi của từng cá nhân, doanh nghiệp và sự tương tác giữa họ trên các thị trường cụ thể.
Trong đó:
- Kinh tế vi mô nghiên cứu mối quan hệ giữa cung, cầu hàng hoá, giá cả và thị trường. Tìm cách xác định điểm cân bằng cũng như phân tích các xu hướng làm dịch chuyển đường cung và đường cầu, thay đổi điểm cân bằng.
- Nguyên cứu các lý thuyết về hành vi của người tiêu dùng trong nhiều điều kiện khác nhau
- Nghiên cứu cấu trúc thị trường như thị trường cạnh tranh hoàn hảo, thị trường độc quyền hay thị trường cạnh tranh không hoàn hảo…
- Thị trường các yếu tố sản xuất: Lao động, vốn và tài nguyên
- Xác định vai trò và tác động của chính phủ trong nền kinh tế thị trường
- Các lý luận về trao đổi, phúc lợi, thất bại thị trường,…
Đối tượng và nội dung nghiên cứu của kinh tế vi mô
Kinh tế vi mô là một môn khoa học kinh tế đề ra các lý luận và phương pháp cho từng vấn đề trong nền kinh tế nhỏ. Dưới đây là đối tượng và nội dung mà việc nghiên cứu kinh tế vi mô quan tâm đến:
Đối tượng của kinh tế vi mô
Khi tiếp cận đến kiến thức của kinh tế vi mô bạn sẽ hiểu được những hành vi đến từ của mỗi thành phần trong nền kinh tế như hộ gia đình, doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà đầu tư… có tác động đến nền kinh tế là như thế nào? Ảnh hưởng của chính phủ trong việc giải quyết các thất bại thị trường? Tại sao các đơn vị và các cá nhân lại đưa ra các quyết định như thế? Họ làm như thế nào để có các quyết định đó?…
Do đó, đối tượng nghiên cứu của kinh tế vi mô là:
- Những vấn đề kinh tế cơ bản của từng đơn vị kinh tế.
- Tìm hiểu và phát hiện tính quy luật và xu hướng vận động tất yếu của các hoạt động kinh tế vi mô.
- Những khuyết tật của nền kinh tế thị trường
- Vai trò của Chính phủ
Nội dung nghiên cứu của kinh tế vi mô
Vì sự phức tạp và rộng lớn của mối quan hệ giữa các thành phần trong kinh tế vi mô. Nên nghiên cứu kinh tế vi mô sẽ tập trung vào một số nội dung quan trọng nhất như:
- Kinh tế vi mô và những vấn đề cơ bản của doanh nghiệp trong đó bao gồm: sản xuất và chi phí, ảnh hưởng của quy luật khan hiếm, lợi suất giảm dần, quy luật chi phí cơ hội tăng dần và hiệu quả kinh tế.
- Cung cầu hàng hóa: Nghiên cứu cung và cầu, các nhân tố ảnh hưởng đến cung và cầu, cơ chế hình thành giá và sự thay đổi của giá do cung cầu thay đổi và các hình thức điều tiết giá cả.
- Lý thuyết hành vi người tiêu dùng: giải thích tâm lý tiêu dùng kinh tế của con người. Quy luật lợi ích cận biên giảm dần trong tiêu dùng, sự lựa chọn tối ưu của người tiêu dùng.
- Lý thuyết về doanh nghiệp: cho rằng bản chất chung của các công ty là tối đa hóa lợi nhuận. Nghiên cứu các quy luật trong sản xuất, chi phí và lợi nhuận.
- Cạnh tranh và độc quyền: nghiên cứu về bản chất và cách hình thành thị trường cạnh tranh hoàn hảo, thị trường độc quyền, thị trường cạnh tranh không hoàn hảo bao gồm cạnh tranh độc quyền và độc quyền tập đoàn.
- Thị trường và các yếu tố sản xuất: lao động, vốn và đất đai
- Những hạn chế của kinh tế thị trường và sự can thiệp của chính phủ
Phân biệt kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô
Kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô đều là các ngành khoa học kinh tế cấu thành nên kinh tế học. Để tránh sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm tuy có phần giống nhưng lại rất khác nhau này, chúng ta sẽ tìm hiểu thông qua những nội dung dưới đây:
Sự giống nhau
Đều nghiên cứu kinh tế trên những góc nhìn khác nhau và đều là những bộ phận quan trọng trong nền kinh tế của một quốc gia. Chúng bổ sung, tác động qua lại lẫn nhau giúp nền kinh tế phát triển.
Sự khác nhau
Tiêu chí | Kinh tế vi mô | Kinh tế vĩ mô |
Phạm vi nghiên cứu | Nghiên cứu hành vi của mỗi thành phần cấu thành nên nền kinh tế. Có quy mô nhỏ như hộ gia đình, doanh nghiệp,….Kinh tế học vi mô nghiên cứu phân đoạn thị trường cụ thể của nền kinh tế. | Nghiên cứu tổng thể của nền kinh tế, bao gồm các biến số kinh tế tổng hợp của quốc gia và quốc tế. Nghiên cứu toàn bộ nền kinh tế bao gồm một số phân khúc thị trường. |
Đối tượng nghiên cứu | Các yếu tố liên quan đến từng đơn vị kinh tế như cung cầu, giá cả, sản lượng hàng hóa, chi phí, lợi nhuận, mức tiêu thụ, phúc lợi kinh tế v.v… | Phân tích các biến số kinh tế tổng hợp như chỉ số giá tiêu dùng, GDP, GNP, lạm phát, giảm phát, thất nghiệp, việc làm, tăng trưởng, chu kỳ kinh tế, vai trò ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ, chính sách tiền tệ, chính sách tài chính, đói nghèo, thương mại quốc tế … |
Mục tiêu | Tìm hiểu cơ chế thiết lập giá cả của từng sản phẩm dịch vụ cùng với giá của hàng hóa bổ sung và hàng hóa thay thế trong những ngành nghề và giải quyết việc phân bổ các nguồn lực khan hiếm một cách có hiệu quả. | Duy trì mức giá chung và giải quyết các vấn đề chính của nền kinh tế như: lạm phát, giảm phát, tỷ lệ thất nghiệp, đói nghèo, xuất nhập khẩu, tỷ giá hối đoái, phát triển kinh tế trên diện rộng. |
Cách tiếp cận | Tiếp cận từ dưới lên | Tiếp cận từ trên xuống |
Mối quan hệ giữa kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô
Kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô có mối quan hệ khăng khít không thể tách rời. Cụ thể như sau:
- Kinh tế vi mô nghiên cứu hành vi của các tế bào cấu thành nên sự phát triển kinh tế. Những hành vi này nếu diễn ra trên diện rộng có thể gây nên sự thay đổi lớn trong nền kinh tế vĩ mô.
- Tuy nhiên, chính sách kinh tế vĩ mô lại tác động ngược lại đến từng cá nhân, doanh nghiệp ảnh hưởng đến hành vi mua sắm, tiêu dùng hay sản xuất của họ.
- Ngoài ra, nghiên cứu kinh tế vi mô là nghiên cứu về cách vận động của từng thành phần riêng lẻ trong nền kinh tế. Còn nghiên cứu kinh tế vĩ mô là tạo điều kiện, môi trường cho các thành phần trong nền kinh tế vi mô phát triển.
- Hiểu một cách hình tượng, nếu ví tổng thể nền kinh tế là một chiếc bánh thì kinh tế vi mô là nguyên liệu làm nên một chiếc bánh còn kinh tế vĩ mô là khung định hình, chất xúc tác để chiếc bánh đẹp hơn và ngon hơn.
- Điều này còn có nghĩa là, mỗi một doanh nghiệp, người dân trong kinh tế vi mô ổn định, phát triển thì kinh tế vĩ mô cũng phản ánh một sự phát triển tương tự nhưng rộng lớn hơn và nhiều biến số hơn.
Các khái niệm có liên quan đến kinh tế vi mô
Để hiểu rõ hơn về kinh tế vi mô là gì, chúng tôi sẽ cung cấp và giải thích đến quý bạn đọc các khái niệm có liên quan như sau:
- Cung cầu và điểm cân bằng (Demand, supply and equilibrium): Lý thuyết cung cầu được xây dựng nhằm xác định giá của một mặt hàng cụ thể trong một thị trường cạnh tranh. Trong đó, nó xác định được một mức giá vừa thỏa mãn được kỳ vọng của người tiêu dùng vừa đạt ở mức nhà sản xuất chấp nhận được. Tại đây chính là điểm cân bằng giá cả trong nền kinh tế.
- Lý thuyết sản xuất (Production theory): Được xây dựng nhằm nghiên cứu quá trình sản xuất sản phẩm hoặc chuyển đổi đầu vào thành đầu ra của doanh nghiệp.
- Kinh tế lao động (labor economics): xem xét đến các vấn đề và mối quan hệ có thể phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động. Nghiên cứu động lực của cả hai bên, từ đó hình thành mô hình tiền lương, việc làm và thu nhập.
- Chi phí sản xuất (Cost of production): trong lý thuyết này đề cập đến cách xác định giá cả của một hàng hóa, dịch vụ dựa trên tất cả các yếu tố đầu vào cấu thành nên nó.
Kết luận
Trên đây chúng tôi đã trình bày một cách ngắn gọn, dễ hiểu nhất đến bạn về nội dung kinh tế vi mô là gì và các điểm để phân biệt được kinh tế vi mô và kinh tế vĩ mô.
Hy vọng với những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp, bạn đọc có thể có thêm nguồn tham khảo để phục vụ cho công việc học tập, nghiên cứu, quản lý của mình ở hiện tại.
Bình luận