Trên “hành trình” đi vay, hồ sơ vay vốn trước khi được duyệt phải trải qua bước thẩm định tín dụng. Các tổ chức cấp tín dụng (như ngân hàng, công ty tài chính) mặc dù có quy trình không giống nhau nhưng bước thẩm định tín dụng phần lớn đều dựa trên quy tắc 5C.
Vậy 5C tín dụng là gì? Cùng mình dành vài phút tìm hiểu quy tắc 5C trong thẩm định tín dụng qua bài viết dưới đây.
5C tín dụng là gì?
5C tín dụng (tiếng Anh là “Five Cs of Credit”) được hiểu là mô hình mà người cho vay sử dụng để đánh giá mức độ tín nhiệm của người đi vay tiềm năng.
“5C” là viết tắt của năm từ tiếng Anh, cũng là năm đặc điểm về người đi vay và khoản vay được xem xét khi thẩm định tín dụng, gồm: Character (Uy tín), Capacity (Năng lực), Capital (Vốn), Collateral (Tài sản đảm bảo), và Conditions (Điều kiện khác).
Mục đích của việc thẩm định tín dụng 5C
Mục đích của việc thẩm định tín dụng 5C
Nguyên tắc tín dụng 5C xem xét 5 đặc điểm quan trọng của người đi vay và khoản vay của họ. Qua việc phân tích những yếu tố này, tổ chức cấp tín dụng sẽ có cơ sở để đánh giá đâu là một khoản cho vay tốt, cũng như đánh giá độ tin cậy đối với khách hàng vay.
Nguyên tắc tín dụng 5C còn giúp người cho vay ước tính về khả năng vỡ nợ của khách hàng, dự báo rủi ro về tổn thất tài chính có thể xảy ra. Đây là cơ sở quan trọng để tổ chức cấp tín dụng đưa ra quyết định chấp nhận hay từ chối hồ sơ vay.
Còn đối với người đi vay, việc hiểu về quy tắc 5C trước khi bắt tay vào nộp hồ sơ vay sẽ giúp họ có cái nhìn rõ ràng trong quy trình thẩm định, từ đó có phương hướng chuẩn bị tốt hơn cho mình.
Các thành phần trong nguyên tắc tín dụng 5C
1. Character (Uy tín)
Character (Uy tín)
Người cho vay sẽ xem xét về uy tín, tính cách, sự đáng tin cậy của người đi vay. Mục đích của việc này nhằm đánh giá liệu người vay có khả năng chịu trách nhiệm và có khuynh hướng trả nợ đúng hạn không.
Để đánh giá uy tín, các tổ chức cấp tín dụng như ngân hàng thường sẽ xem xét về lịch sử tín dụng, sự hợp tác trong quá khứ của bên vay. Thông qua các báo cáo tín dụng, người cho vay biết sẽ biết được thông tin về các khoản vay trong quá khứ, điểm tín dụng của khách hàng.
Thông thường, người đi vay có lịch sử tín dụng càng tốt, điểm tín dụng cao thì khả năng hồ sơ vay được duyệt càng lớn. Ngược lại, nếu người đi vay có lịch sử nợ xấu, người cho vay sẽ e dè hơn khi duyệt hồ sơ.
Bên cạnh đó, đối với các khách hàng cá nhân, bên cấp tín dụng cũng sẽ xem xét về những vấn đề liên quan để đánh giá uy tín, như: kinh nghiệm làm việc, đơn vị công tác, trình độ học vấn, sự rõ ràng minh bạch trong hồ sơ vay.
Thường được nhắc đến đầu tiên trong “5C”, “Uy tín của người vay” là yếu tố tiền đề để người cho vay xem xét khi thẩm định tín dụng.
2. Capacity (Năng lực của người vay)
Capacity (Năng lực của người vay)
Tiêu chí này sẽ đo lường khả năng thanh toán nợ của người đi vay dựa trên dòng tiền sẵn có của họ. Bên cấp tín dụng sẽ ước tính liệu người vay có khả năng nhận thêm một khoản nợ mới không, bằng cách so sánh giữa thu nhập và các khoản phải trả định kỳ.
Hệ số nợ trên thu nhập (còn gọi là DTI) càng thấp, chứng minh khả năng thanh toán của người vay càng cao. Thông thường, các tổ chức cấp tín dụng sẽ có quy định về “ngưỡng an toàn” riêng cho tỷ lệ nợ trên thu nhập của khách hàng.
Bên cạnh đó, bên cho vay cũng cân nhắc về tính ổn định trong thu nhập của người vay.
Với khách hàng vay là doanh nghiệp, tổ chức cấp tín dụng sẽ phân tích báo cáo tài chính để xem xét “sức khỏe tài chính”, tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tính hiệu quả trong sử dụng nguồn tiền.
3. Capital (Vốn)
Dù là khoản vay kinh doanh, khoản thế chấp hay các khoản vay với mục đích khác, tổ chức tín dụng sẽ an tâm hơn khi người vay có thể đóng vào trước một số vốn. Khoản ký quỹ ban đầu này càng lớn, cho thấy mức độ nghiêm túc của người vay càng cao.
Đối với khách hàng cá nhân, người cho vay sẽ đánh giá về phần tiền thanh toán trước của các khoản vay mua nhà, mua ô tô hay mua sắm lớn khác. Còn trường hợp cho vay nhằm đầu tư, người cho vay sẽ xem xét số vốn mà người đi vay đã bỏ vào hoạt động kinh doanh, như nguồn tiền tự có, hàng tồn kho, trang thiết bị.
4. Collateral (Tài sản đảm bảo)
Tài sản đảm bảo là những tài sản có giá trị mà người vay dùng để thế chấp. Nó mang lại sự cam kết rằng, nếu người vay không có khả năng trả nợ, người cho vay có thể lấy lại một phần hoặc toàn bộ khoản vay bằng tài sản thế chấp.
Đối với các khoản vay mua sắm, tài sản đảm bảo cũng thường là đối tượng mà người ta vay tiền. Ví dụ, các khoản vay mua nhà được bảo đảm bằng ngôi nhà đó.
Các khoản vay có tài sản đảm bảo được coi là ít rủi ro hơn đối với người cho vay. Do đó, các khoản vay này sẽ được cho mức lãi suất thấp hơn và các điều khoản tốt hơn so với các hình thức vay không có bảo đảm khác.
5. Conditions (Điều kiện khác)
Conditions (Điều kiện khác)
Ngoài 4 yếu tố trên, người cho vay còn cân nhắc đến những yếu tố khác của hồ sơ vay, như: mục đích sử dụng của khoản vay, uy tín của người tham khảo được dẫn chiếu, khoảng thời gian người vay gắn bó công việc, tình trạng sức khỏe và những điều kiện khác có thể ảnh hưởng đến việc người vay hoàn trả nợ.
Bên cạnh đó, người cho vay còn đánh giá các yếu tố bên ngoài, như: sức khỏe tổng thể của nền kinh tế, xu hướng của ngành (trong trường hợp cho vay kinh doanh), các thay đổi về luật pháp, chính sách, và các điều kiện vĩ mô khác có liên quan.
Ý nghĩa của quy tắc 5C trong thẩm định tín dụng
Ý nghĩa của quy tắc 5C trong thẩm định tín dụng
Bằng việc áp dụng nguyên tắc tín dụng 5C trong thẩm định, người cho vay như ngân hàng và các tổ chức tín dụng có thể đánh giá được sự đáng tin cậy của người vay. Qua xem xét các yếu tố trong 5C, người cho vay sẽ hiểu được toàn diện về tình hình tài chính của người vay, mức độ rủi ro của khoản vay, từ đó đưa ra quyết định hợp lý.
Mặt khác, người đi vay khi hiểu nguyên tắc tín dụng 5C có thể tự đánh giá hồ sơ vay của mình. Qua đó, người vay có thể phát huy những điểm tốt, cố gắng cải thiện những yếu tố mà mình còn thiếu, như:
- Lên kế hoạch tài chính cá nhân hợp lý, xem xét lại các khoản chi không cần thiết, nâng cao tỷ lệ tiết kiệm và dòng tiền nhàn rỗi.
- Cố gắng thanh toán các khoản vay hiện tại đúng hạn, hạn chế tối đa các khoản nợ quá hạn.
- Cân nhắc về việc trả trước một phần tiền hoặc ký quỹ một số vốn khi vay, đưa ra những tài sản đảm bảo để tăng thêm uy tín, từ đó thương lượng về những điều kiện vay có lợi hơn.
- Sử dụng khoản vay có mục tiêu rõ ràng, lập ra kế hoạch trả nợ hợp lý.
Kết luận
Trên đây là thông tin cơ bản về 5C tín dụng – một mô hình được nhiều tổ chức cấp tín dụng sử dụng để thẩm định hồ sơ vay.
Mình hy vọng qua bài viết này, bạn sẽ hiểu về quy tắc 5C trong thẩm định tín dụng, cũng như người đi vay có thêm kiến thức để chuẩn bị tốt hơn cho mình.
Nếu muốn trao đổi thêm, bạn có thể bình luận bên dưới để được giải đáp và và lắng nghe ý kiến.
Bình luận